fbpx

Cô khách 58 tuổi trở về từ Úc gặp biến chứng tiêm xơ trong điều trị suy giãn tĩnh mạch sau 3 tháng. May mắn, bác sĩ tại Dr Vein đã nhanh chóng phát hiện tình trạng này và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.

I/ Bệnh nhân 58 tuổi về từ Úc gặp biến chứng tiêm xơ trong điều trị suy giãn tĩnh mạch sau 3 tháng: 

Bệnh nhân N.T.B.C sinh sống và làm việc tại SYDNEY ( Úc) sau khi về Việt Nam đã ghé đến phòng khám điều trị chuyên sâu suy giãn tĩnh mạch Dr.Vein để được tư vấn, thăm khám tình trạng suy giãn tĩnh mạch cùng các triệu chứng nhức mỏi, khó chịu đi kèm. Theo chia sẻ, bệnh nhân sinh năm 66 đã phải sống chung với bệnh lý này nhiều năm.

Cô từng can thiệp điều trị bằng laser tĩnh mạch vào năm 2017, tháng 6 vừa qua cô tiếp tục can thiệp phương pháp tiêm xơ tĩnh mạch 1 lần thế nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm mà các cơn đau nhức lại càng gây khó chịu nhiều hơn. 

Trực tiếp thăm khám và tư vấn cho cô là Ths.Bs Phan Duy Kiên, trao đổi với bệnh nhân mới biết lý do cô ghé đến Dr Vein thăm khám là vì nhận thấy các dấu hiệu như sưng phù chân, đau nhức vùng bắp chân, mỏi và nặng chân khi đứng lâu (bị chủ yếu ở bên chân trái), chân có dấu hiệu sưng to vào ban ngày, đặc biệt cô còn thường xuyên cảm giác thấy các cơn đau và tê lan tỏa từ vùng mông xuống khu vực phía bàn chân. 

Sau khi hỏi thăm các triệu chứng của bệnh nhân, Ths.Bs Phan Duy Kiên yêu cầu bệnh nhân tiến hành siêu âm Doppler để đánh giá tổng quan hệ thống mạch máu trên chân của cô xem có bị hiện tượng trào ngược hoặc có bất thường gì xảy ra hay không. 

bien-chung-tiem-xo
Khách hàng bị biến chứng xơ hoá sau khi tiêm xơ tại cơ sở y tế khác.

Sau khi hoàn tất tất cả các quy trình, tổng hợp kết quả từ khâu thăm khám và chẩn đoán lâm sàng, cùng với hình ảnh siêu âm, Bác sĩ Phan Duy Kiên kết luận cô C bị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch một bên chân trái kèm theo tình trạng xơ hóa không mong muốn sau 3 tháng điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng liệu pháp tiêm xơ.

Ngoài ra, bác sĩ Kiên cũng thông tin rằng cô C còn mắc bệnh lý cột sống thắt lưng, sự kết hợp của hai bệnh lý này khiến các cơn đau nhức trở nên dai dẳng hơn. Đây cũng chính là lý do dẫn đến triệu chứng đau nhức lan tỏa từ vùng mông xuống dưới bàn chân mà cô đã chia sẻ khi đến khám.

Với trường hợp của cô C, Th.Bs Phan Duy Kiên đã tư vấn một phác đồ điều trị phù hợp, hướng tới việc điều trị nội khoa và bảo tồn. Bác sĩ Kiên cho biết, tình trạng cô C đang gặp không nên can thiệp tiêm xơ thêm vì hiện tại phần thân tĩnh mạch bị giãn đã được xử lý, phần nhánh chưa cần can thiệp tiêm xơ, chỉ cần mang vớ gối áp lực 1 và tuân thủ các phương pháp điều trị nền tảng khác. 

https://www.youtube.com/watch?v=FxwdPlulY74
Xem chi tiết ca thăm khám, tư vấn cho cô khách về từ Úc bị biến chứng tiêm xơ sau 3 tháng điều trị suy giãn tĩnh mạch

Bác sĩ nhấn mạnh rằng đối với bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch, dù đã từng can thiệp hay chưa, thì các phương pháp điều trị nền tảng vẫn cần phải được tuân thủ. Các phương pháp điều trị nền tảng bao gồm:

  1. Mang vớ gối áp lực: Việc sử dụng vớ gối áp lực là rất cần thiết khi đứng lâu, ngồi lâu hoặc trong quá trình làm việc. Điều này giúp giảm thiểu áp lực lên tĩnh mạch, cải thiện lưu thông ngăn ngừa bệnh tiến triển và tái phát. Việc sử dụng vớ tĩnh mạch đúng cách còn giúp giảm triệu chứng đau mỏi, nặng chân.
    • Trường hợp cô C, bác sĩ chỉ định nên mang vớ gối áp lực 1 khi đứng lâu ngồi lâu hoặc khi làm việc (tính chất công việc của cô C phải đứng lâu từ 9-12 tiếng nên việc mang vớ áp lực cần phải được tuân thủ nghiêm chỉnh).
    • Thực tế, nhiều trường hợp giãn tĩnh mạch tái phát không chỉ do chẩn đoán và điều trị chưa phù hợp mà còn do người bệnh không tuân thủ việc mang vớ tĩnh mạch theo đúng chỉ định.
  2. Hạn chế tư thế gây áp lực: Bệnh nhân nên hạn chế các tư thế như ngồi xổm, bắt chéo chân, và tránh đứng hoặc ngồi lâu một chỗ để giảm thiểu nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
  3. Kiểm soát cân nặng: Giữ cân nặng ở mức hợp lý là yếu tố quan trọng, vì thừa cân có thể tạo thêm áp lực lên hệ thống tĩnh mạch.
  4. Chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây và các chất xơ sẽ hỗ trợ tốt cho sức khỏe của hệ mạch máu.
  5. Tập thể dục đều đặn: Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu và giảm thiểu triệu chứng.
  6. Điều trị các bệnh kèm theo: Bệnh nhân cần tiếp tục điều trị các bệnh lý nền như cao huyết áp, bệnh lý cột sống thắt lưng để hỗ trợ quá trình điều trị suy giãn tĩnh mạch.

Bác sĩ căn dặn thêm bệnh nhân cần tái khám định kỳ sau 6 tháng để bác sĩ đánh giá tiến triển bệnh và điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần.

II/ Biến chứng tiêm xơ trong điều trị suy giãn tĩnh mạch là gì?

Tiêm xơ là phương pháp tiêm dung dịch gây xơ trực tiếp vào lòng tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch đóng lại và cuối cùng mờ dần. Phương pháp này chỉ nên dùng để điều trị suy giãn tĩnh mạch nông mức độ C1, đặc biệt khuyên dùng đối với trường hợp giãn tĩnh mạch dạng lưới (tĩnh mạch có đường kính từ 1-3mm).

Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng tiêm xơ có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật hoặc thiếu các bước siêu âm, chẩn đoán theo đúng quy trình y khoa bởi bác sĩ mạch máu.

Thạc sĩ – Bác sĩ chuyên khoa II Phan Duy Kiên (nhiều năm công tác tại khoa Phẫu thuật mạch máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cố vấn chuyên môn cấp cao tại phòng khám điều trị chuyên sâu suy giãn tĩnh mạch Dr.Vein)  chia sẻ một số tác dụng phụ hoặc biến chứng có thể xuất hiện sau khi tiêm xơ, bao gồm:

– Đau tại vùng tiêm: Có thể xuất hiện cảm giác đau ở mức độ vừa phải khi chạm vào tĩnh mạch vừa điều trị và có thể chạy dọc theo đường tĩnh mạch. Tuy nhiên đây chỉ là cảm giác tạm thời, sẽ nhanh chóng biến mất.

– Tăng sắc tố tạm thời: khoảng 15% bệnh nhân trải qua liệu pháp xơ cứng nhận thấy sự đổi màu trên da (vệt màu nâu nhạt) sau điều trị, và thường mờ dần sau đó từ 4 đến 12 tháng. Một số trường hợp có thể tồn tại trong nhiều năm.

– Bỏng hoặc loét da: nếu không được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa mạch máu nhiều kinh nghiệm, trong quá trình tiêm xơ có thể gây thoát thuốc vào mô xung quanh tĩnh mạch, gây bỏng từ đó tạo ra vết phồng rộp có thể vỡ ra thành vết loét.

– Hiện tượng Refill: Đây là hiện tượng phổ biến, tỷ lệ xảy ra từ 20-40% sau khi bệnh nhân được chữa trị bằng tiêm xơ đơn thuần. Hiện tượng này là tình trạng các tĩnh mạch sẽ lại đầy và tái hiện.

– Huyết khối tĩnh mạch sâu: là tình trạng hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch sâu – một trong những nguyên nhân chính gây thuyên tắc mạch phổi (PE). Tiêm xơ chống chỉ định đối với bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu vì có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

III/ Lời khuyên của Ths.Bs Phan Duy Kiên trong điều trị suy giãn tĩnh mạch nhằm hạn chế biến chứng xảy ra

Hiện nay, tình trạng thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa mạch máu, đặc biệt là những bác sĩ có đào tạo chuyên sâu, đang ngày càng trở nên nghiêm trọng so với nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng.

Điều này đã dẫn đến việc nhiều cơ sở y tế phải sử dụng những nhân lực không đủ chuyên môn để tư vấn, thậm chí khám và điều trị cho bệnh nhân. Hệ quả là nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán và điều trị suy giãn tĩnh mạch sai phương pháp, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Biến chứng xảy ra sau điều trị suy giãn tĩnh mạch hiện nay là điều không phải hiếm gặp.

Thạc sĩ – Bác sĩ Phan Duy Kiên chia sẻ: “Biến chứng do điều trị suy giãn tĩnh mạch sai cách đang tăng nhanh chóng. Nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng “bất ổn” về nhân sự lẫn chuyên môn tại một số phòng khám và thẩm mỹ viện. Điều này dẫn đến việc chẩn đoán sai, điều trị không đúng căn nguyên, khiến bệnh không những không thuyên giảm mà còn trở nặng, dễ tái phát hoặc thậm chí phát sinh biến chứng khiến bệnh nhân tiền mất – tật mang.”

Việc hiểu và nhận biết biến chứng tiêm xơ trong điều trị suy giãn tĩnh mạch là điều cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân. Mặc dù liệu pháp tiêm xơ có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc điều trị suy giãn tĩnh mạch, nhưng bệnh nhân cần phải được theo dõi chặt chẽ và điều trị bởi những bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm.

Những biến chứng có thể xảy ra, như tình trạng xơ hóa mà cô C đã trải qua, đòi hỏi sự can thiệp kịp thời và phác đồ điều trị thích hợp. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phòng khám tĩnh mạch Dr Vein khuyên bạn, khi muốn điều trị suy giãn tĩnh mạch hãy lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp để đảm bảo sự an toàn và mang lại hiệu quả tối ưu nhất trong và sau quá trình điều trị.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This field is required.

Bắt buộc nhập