fbpx

Loét tĩnh mạch chân là trường hợp loét mãn tĩnh và thường phải mất hơn 2 tuần mới có khả năng lành lại. Vết loét thường phát triển ở mặt trong của chân, giữa đầu gối và mắt cá chân. Vậy loét tĩnh mạch chân có những triệu chứng nào? nguyên nhân xuất phát từ đâu và cách điều trị nào sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất hiện nay?

Loét tĩnh mạch chân là tình trạng gì?

Loét tĩnh mạch ở chân thường được tìm thấy ở mặt trong của chân, giữa đầu gối và khu vực mắt cá chân. Đây được xem là trường hợp loét mãn tính và rất khó lành, thông thường phải mất hơn nửa tháng mới có khả năng lành lại. 

Các triệu chứng của loét tĩnh mạch ở chân thường bao gồm đau, ngứa, sưng ở vùng chân bị ảnh hưởng. Không những vậy da xung quanh vết loét cũng có xu hướng bị đổi màu hoặc cứng lại. Vết loét có thể tiết dịch và có mùi hôi. 

Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bị loét tĩnh mạch ở chân

Như đã nói bên trên, loét tĩnh mạch chân là những vết loét hở trên da, thường gây đau và mất hơn 2 tuần để lành. Đa phần vết loét xuất hiện ở mặt trong của chân, giữa đầu gối và mắt cá chân.

Nếu một người bị loét tĩnh mạch ở chân, họ cũng có thể bị một vài những dấu hiệu và triệu chứng khác đi kèm như: 

  • Sưng phù mắt cá chân (oedema)
  • Biến đổi màu hoặc sạm da xung quanh vết loét
  • Da cứng xung quanh vết loét
  • Cảm giác nặng nề ở chân 
  • Đau hoặc sưng ở chân
  • Da bong tróc, có vảy và ngứa ở chân (chàm tĩnh mạch – varicose eczema) 
  • Tĩnh mạch sưng to, nổi búi (nổi búi tĩnh mạch – varicose veins)
  • Cơn đau ngày càng trầm trọng
  • Dịch tiết màu xanh lá cây hoặc khó chịu chảy ra từ vết loét – vùng da đỏ xung quanh vết loét có thể khó nhìn thấy hơn trên da đen hoặc nâu
  • Da xung quanh vết loét bị đỏ và sưng tấy
  • Thân nhiệt cao (có thể sốt)
  • Mùi khó chịu phát ra từ vết loét

Các chuyên gia khuyên rằng những ai đang nghi ngờ mình bị loét tĩnh mạch ở chân khi nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng tương tự hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật mạch máu để được hướng dẫn xử lý và điều trị kịp thời bởi tình trạng này khó có thể tự thuyên giảm nếu không được điều trị chuyên khoa, có như vậy mới hy vọng vết thương lành nhanh chóng. Việc điều trị cần diễn ra càng sớm càng tốt nếu được chẩn đoán bị loét tĩnh mạch ở chân và có dấu hiệu nhiễm trùng.

Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chân đồng thời có thể thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung để loại trừ những tình trạng khác có thể xảy ra cùng lúc với loét tĩnh mạch chân. 

Những ai có thể bị loét tĩnh mạch chân? 

Theo một số liệu thống kê được, ước tính bệnh loét tĩnh mạch chân ảnh hưởng tới 1/500 người ở Anh. Căn bệnh này sẽ trở nên phổ biến hơn theo tuổi tác, ước tính tỷ lệ có khoảng 1/50 người ở độ tuổi 80 trở lên có nguy cơ mắc phải loét tĩnh mạch ở chân. 

Những ai từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)  sẽ có nguy cơ bị loét tĩnh mạch chân càng cao, ngoài ra những người cảm thấy khó khăn trong việc đi đứng vì một số các vấn đề như: Viêm xương khớp, Vết thương áp lực ở chân, Béo phì, Tê liệt chân cũng được liệt vào nhóm nguy cơ cao. 

Ngoài ra những người bị sưng và giãn tĩnh mạch cũng có nguy cơ cao bị loét tĩnh mạch chân. Tương tự với người từng thực hiện phẫu thuật ở chân, chẳng han như thay khớp háng hoặc thay khớp gối.

Vì sao những đối tượng trên dễ bị loét tĩnh mạch ở chân. Có thể diễn giải một cách cụ thể như sau: 

  • Người bị Béo phì  hoặc thừa cân – tình trạng này làm tăng áp lực trong tĩnh mạch ở chân
  • Người gặp khó khăn khi đi lại – vấn đề này có thể làm suy yếu các cơ bắp bắp chân, ảnh hưởng đến lưu thông máu trong các tĩnh mạch ở chân
  • Người có tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) – một khi cục máu đông phát triển ở chân có thể làm hỏng van trong tĩnh mạch
  • Người bị giãn tĩnh mạch, nổi thành búi  – tĩnh mạch bị sưng và to do van bị hỏng
  • Người bị chấn thương trước đó ở chân, chẳng hạn như gãy hoặc gãy xương, có thể gây ra DVT hoặc ảnh hưởng đến việc đi lại của họ. 
  • Người từng phẫu thuật  ở chân, chẳng hạn như thay khớp háng hoặc thay khớp gối , điều này khiến cho họ khó vận động, gây khó khăn cho việc đi lại. 
  • Người tuổi tác đã cao – những người ở độ tuổi cao niên sẽ cảm thấy khó vận động hơn so với khi còn trẻ, đặc biệt nếu họ bị viêm khớp. 

Nguyên nhân gây loét tĩnh mạch chân là gì?

Loét tĩnh mạch ở chân là loại loét chân phổ biến nhất, chiếm hơn 60% tổng số trường hợp.

Nguyên nhân gây loét tĩnh mạch ở chân có thể phát triển sau một chấn thương nhỏ nếu lưu thông máu trong các tĩnh mạch ở chân gặp vấn đề. Điều này xảy ra khi áp lực bên trong tĩnh mạch tăng lên. Nếu kéo dài có thể dần dần làm hỏng các mạch máu nhỏ trên da và khiến da trở nên mỏng manh, yếu hơn so với ban đầu. 

Kết quả là làn da sau đó rất dễ tổn thương và hình thành vết loét ngay sau khi bị va đập hoặc trầy xước.

Nếu không được điều trị để cải thiện lưu thông máu ở chân, vết loét có thể không lành.

Cách điều trị loét tĩnh mạch ở chân

Hầu hết các vết loét tĩnh mạch ở chân sẽ lành trong vòng 6 tháng nếu chúng được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật mạch máu, được đào tạo chuyên sâu về liệu pháp nén ép đối với vết loét ở chân. Trong một số trường hợp đặc biệt, một số vết loét có thể mất nhiều thời gian hơn để lành và một số rất nhỏ không bao giờ lành.

Các bước điều trị thường bao gồm:

  • Làm sạch và băng bó vết thương
  • Sử dụng phương pháp nén, chẳng hạn như băng hoặc vớ, để cải thiện lưu lượng máu ở chân

Thuốc kháng sinh  cũng có thể được sử dụng nếu vết loét bị nhiễm trùng, nhưng chúng không giúp vết loét mau lành.

Những nguyên nhân cơ bản của vết loét cần phải được giải quyết triệt để, nếu không nguy cơ cao vết loét tĩnh mạch ở chân tái phát sau khi điều trị là điều rất dễ xảy ra. 

Các nguyên nhân cơ bản có thể bao gồm liệt chân, béo phì, tiền sử DVT hoặc giãn tĩnh mạch.

Loét tĩnh mạch ở chân có thể phòng ngừa được không?

Có một số cách giúp ngăn ngừa phát triển loét tĩnh mạch ở chân ở những người có nguy cơ, bao gồm:

  • Mang vớ nén
  • Giảm cân nếu bị thừa cân
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Luyện tập nâng cao chân khi có thể
  • Ngừng hút thuốc

Nếu trước đây bệnh nhân đã từng bị loét chân thì những biện pháp phòng ngừa này lại càng cần phải áp dụng. Lý do là vì người này có nguy cơ cao trong việc mắc một phải một bệnh lý khác ở cùng một chân trong vòng vài tháng hoặc nhiều năm sau đó. 

Các loại loét chân khác

Ngoài loét chân do suy giãn tĩnh mạch còn có các loại loét chân khác xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:

  • Loét chân do động mạch: do lưu lượng máu kém ở các động mạch
  • Loét chân do tiểu đường – do lượng đường trong máu cao liên quan đến bệnh tiểu đường
  • Loét chân do mạch máu – liên quan đến các rối loạn viêm mãn tính như  viêm khớp dạng thấplupus
  • Loét chân do chấn thương – do chấn thương ở chân
  • Loét chân ác tính – do khối u ở da chân

Lưu ý: Hầu hết các vết loét do bệnh động mạch hoặc tiểu đường đều xuất hiện ở bàn chân chứ không phải ở cẳng chân.

Quy trình thăm khám, chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây loét tĩnh mạch chân

Nên thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa mạch máu: 

Thông thường người bệnh có thể chủ động tìm tới các bác sĩ chuyên khoa mạch máu hoặc cũng có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa mạch máu nếu bác sĩ đa khoa hoặc y tá không chắc chắn về chẩn đoán của họ hoặc nếu họ nghi ngờ vết loét của người bệnh có thể do bệnh động mạch gây ra.

Nếu bác sĩ hoặc ý tá cho rằng nguyên nhân gây loét chân ở người bệnh là do bệnh tiểu đường hoặc viêm khớp dạng thấp, họ có thể giới thiệu người bệnh đến phòng khám loét tiểu đường hoặc bác sĩ thấp khớp (chuyên gia điều trị các tình trạng ảnh hưởng đến xương, khớp và cơ).

Thăm khám, chẩn đoán ban đầu của bác sĩ chuyên khoa: 

Sau khi lấy bệnh sử và khám cho người bệnh, bác sĩ chuyên khoa có thể cần sắp xếp các cuộc điều tra sâu hơn để lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ chuyên khoa mạch máu sẽ hỏi xem người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào khác liên quan đến loét tĩnh mạch ở chân hay không, chẳng hạn như:

  • Sưng ở mắt cá chân 
  • Da biến sắc hoặc cứng

Bác sĩ sẽ cố gắng xác định nguyên nhân gây loét chân bằng cách hỏi về các bệnh lý tiềm ẩn hoặc vết thương trước đó, chẳng hạn như:

  • Bệnh tiểu đường
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật ở chân bị loét
  • Vết loét ở chân trước đó

Quy trình thăm khám chuẩn y khoa sẽ bao gồm việc kiểm tra chân của bệnh nhân ở cả tư thế đứng và nằm. Chứng giãn tĩnh mạch sẽ rõ ràng hơn khi bệnh nhân đứng lên và vết loét sẽ lộ rõ hơn khi bệnh nhân nằm. 

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra mạch ở mắt cá chân của bệnh nhân để đảm bảo các động mạch ở chân hoạt động bình thường.

Tiến hành kiểm tra bằng siêu âm Doppler

Để loại trừ bệnh động mạch ngoại biên  (một tình trạng ảnh hưởng đến động mạch) là nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng loét tĩnh mạch ở chân, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện quá trình siêu âm Doppler. Quy trình này bao gồm đo huyết áp trong các động mạch ở mắt cá chân và so sánh nó với huyết áp ở cánh tay.

Nếu mắc bệnh động mạch ngoại biên, huyết áp ở mắt cá chân sẽ thấp hơn cánh tay. Siêu âm doppler đánh giá huyết động hệ tĩnh mạch chi dưới

Siêu âm Doppler giúp đánh giá huyết động hệ tĩnh mạch chi dưới, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chính xác cho vết loét. 

Phác đồ điều trị loét tĩnh mạch ở chân gồm các bước sau 

Phương pháp điều trị chính cho loét tĩnh mạch chân là liệu pháp nén ép hoặc sử dụng vớ tĩnh mạch áp lực giúp cải thiện lưu thông máu ở chân. 

Nhưng cần đặc biệt lưu ý, sẽ không an toàn khi sử dụng liệu pháp nén ép nếu huyết áp động mạch mắt cá chân thấp.

Làm sạch và băng vết loét

Bước đầu tiên là loại bỏ bất kỳ mảnh vụn hoặc mô chết nào khỏi vết loét, rửa và lau khô rồi băng lại bằng băng thích hợp. Điều này tạo điều kiện tốt nhất cho vết loét lành lại.

Một loại băng chuyên dụng không dính sẽ được sử dụng để băng vết loét ở chân của bệnh nhân. Loại băng này thường cần được thay đổi 1 đến 3 lần một tuần.

Sử dụng băng ép, vớ nén

Để cải thiện lưu thông tĩnh mạch ở chân và điều trị sưng tấy, bác sĩ chuyên khoa mạch máu sẽ băng ép chặt lên chân bị ảnh hưởng.

Những miếng băng này được thiết kế để siết chặt chân của bệnh nhân và giúp máu chảy ngược lên tim.

Có nhiều loại băng hoặc vớ đàn hồi khác nhau được sử dụng để điều trị loét tĩnh mạch ở chân, có thể được làm thành 2, 3 hoặc 4 lớp khác nhau.

Việc áp dụng băng nén là một thủ tục đòi hỏi kỹ năng cao và chỉ nên được thực hiện bởi nhân viên y tế đã được đào tạo.

Khi băng nén lần đầu tiên được áp dụng cho vết loét không lành, nó thường gây đau đớn. Tốt nhất, bệnh nhân sẽ được dùng thêm thuốc giảm đau thay thế do bác sĩ kê toa. Cơn đau sẽ giảm bớt khi vết loét bắt đầu lành.

Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ quy định đeo băng ép đúng theo hướng dẫn. Nếu gặp bất kỳ vấn đề gì trong quá trình thay và sử dụng băng mới, tốt nhất hãy liên hệ với y tá để xin chỉ dẫn thay vì cố gắng tự mình tháo băng

Nếu băng nén tạo cảm giác chật chội và gây khó chịu khi đi ngủ vào ban đêm, việc đứng dậy đi bộ một đoạn ngắn thường sẽ hữu ích.

Một vài trường hợp bệnh nhân đeo băng nén để điều trị loét tĩnh mạch ở chân cần phải tháo hoặc cắt bỏ băng ngay lập tức nếu gặp phải những tình trạng sau: 

  • Bị tê hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc ngón chân
  • Bị đau bất thường ở chân, bàn chân hoặc ngón chân
  • Ngón chân bị sưng lên, hoặc trông nhợt nhạt hoặc xanh

Sau khi tháo băng, hãy đảm bảo giữ chân ở tư thế cao và liên hệ ngay với bác sĩ hoặc y tá để có hướng xử lý kịp thời. 

Ở một số phòng khám, các nhóm chuyên gia đang sử dụng các giải pháp thay thế mới cho băng nén, chẳng hạn như các loại vớ đặc biệt hoặc các thiết bị nén khác.

Những loại vớ này có thể không có sẵn ở mọi phòng khám, nhưng nó có thể thay thế cách điều trị loét tĩnh mạch chân bằng băng ép thông thường trong tương lai. 

Ngoài ra các bác sĩ chuyên khoa mạch máu sẽ tư vấn cho người bệnh một số cách điều trị loét tĩnh mạch ở chân khác có thể giúp ích cho tình trạng của họ hơn là việc sử dụng băng ép. 

Can thiệp điều trị các triệu chứng liên quan khác: 

Sưng ở chân và mắt cá chân

Loét tĩnh mạch ở chân thường đi kèm với sưng bàn chân và mắt cá chân (phù nề) do dịch gây ra. Triệu chứng này cũng có thể được kiểm soát khi sử dụng băng nén. 

Lời khuyên cho những bệnh nhân bị sưng ở chân và mắt cá chân để cải thiện tình trạng này chính là cố gắng duy trì việc giữ chân thật cao bất cứ khi nào có thể. Tốt nhất nên nâng cao chân trong 30 phút, 3 đến 4 lần một ngày.

Việc để chân cao hơn hông sẽ giúp tình trạng sưng tấy giảm thiểu rõ rệt. Người bệnh có thể kê gối dưới bàn chân và cẳng chân trong khi ngủ để giúp nâng cao chân. 

Người bệnh cũng nên hoạt động càng nhiều càng tốt và cố gắng thực hiện đều đặn các hoạt động hằng ngày của mình. 

Duy trì việc tập thể dục đều đặn như đi bộ hàng ngày cũng giúp giảm sưng chân. 

Cần tránh ngồi hoặc đứng ở một chỗ quá lâu trong tư thế bàn chân hướng xuống. 

Vết loét bị nhiễm trùng

Thông thường khi vết loét có dấu hiệu nhiễm trùng nó thường kèm theo dấu hiệu tiết ra một lượng dịch lớn, khiến vết loét ở chân có cảm giác đau đớn hơn so với bình thường. 

Nhiễm trùng vết loét cũng có thể đi kèm với tình trạng mẩn đỏ xung quanh vùng loét. Tuy nhiên triệu chứng mẩn đỏ này thường khó nhận thấy ở những người có nước da đen hoặc da nâu. 

Khi gặp những triệu chứng và dấu hiệu nghi nhiễm trùng vết loét như đã nói bên trên, người bệnh nên sớm liên hệ với bác sĩ chuyên khoa mạch máu để được thăm khám, can thiệp xử lý càng sớm càng tốt. Nếu vết loét của bạn bị nhiễm trùng, nó cần được làm sạch và băng lại. Bệnh nhân sẽ được kê thuốc kháng sinh dùng trong 7 ngày. 

Mục đích của việc sử dụng thêm kháng sinh là để loại bỏ nhiễm trùng. Nhưng cần lưu ý một điều quan trọng là kháng sinh không chữa lành vết loét và nó chỉ nên được sử dụng trong thời gian ngắn để điều trị vết loét bị nhiễm trùng. 

Ngoài can thiệp điều trị từ bác sĩ, bệnh nhân cũng cần ý thức nâng cao chân thường xuyên. 

Ngứa da

Một số người bị loét tĩnh mạch ở chân có thể phát ban, kèm hiện tượng da bong tróc và ngứa. Điều này thường do bệnh chàm tĩnh mạch gây ra , có thể được điều trị bằng kem dưỡng ẩm (giúp làm mềm da), kem hoặc thuốc mỡ có chứa corticosteroid nhẹ.

Trong một số trường hợp, người bệnh cần tìm tới các bác sĩ da liễu (chuyên gia về da) để can thiệp điều trị tình trạng ngứa da này. 

Ngứa da đôi khi cũng có thể do dị ứng với băng hoặc kem được bôi trong quá trình điều trị. Nếu điều này xảy ra, người bệnh có thể cần phải kiểm tra các vấn đề về dị ứng.

Điều quan trọng là tránh gãi chân nếu cảm thấy ngứa vì điều này làm tổn thương da và có thể dẫn đến loét ở chân nặng hơn.

Quy trình chăm sóc và thăm khám sau điều trị loét tĩnh mạch ở chân

Theo dõi và tái khám theo lịch trình của bác sĩ chuyên khoa đưa ra

Sau khi điều trị loét tĩnh mạch ở chân, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa mạch máu đặt lịch hẹn tái khám ít nhất một lần một tuần để thay băng và thực hiện nén ép. Họ cũng sẽ quan sát và theo dõi thêm tiến trình lành của vết loét để có hướng xử lý kịp thời khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra. 

Sau khi vết loét đã lành

Một khi vết loét tĩnh mạch ở chân đã lành sau điều trị thì nguy cơ vết loét khác có thể xảy ra trên chân của người bệnh trong vòng vài tháng hoặc nhiều năm sau đó là điều khả dĩ. Thế nên phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra là bệnh nhân cần mang vớ nén thường xuyên khi ra khỏi giường. 

Các bác sĩ chuyên khoa mạch máu sẽ tư vấn cho bệnh nhân loại vớ tĩnh mạch phù hợp với điều kiện sống và sinh hoạt của mỗi người nhất, đồng thời nó bệnh nhân cũng có thể dễ dàng xử lý và điều chỉnh ngay tại nhà mà không cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa. 

Các cách phòng ngừa bệnh loét tĩnh mạch chân

Những người có nguy cơ bị loét tĩnh mạch ở chân cao nhất là những người đã từng bị loét chân trước đó. Một vài cách giúp phòng ngừa bệnh loét tĩnh mạch chân có thể xuất hiện đó là sử dụng tất nén, giảm cân và có các biện pháp chăm sóc da phù hợp. 

Vớ nén/ Vớ áp lực tĩnh mạch

Nếu một người từng bị loét tĩnh mạch ở chân hoặc ai đó có nguy cơ mắc bệnh này, bác sĩ chuyên khoa có thể khuyên họ nên điều trị bằng vớ nén.

Những loại vớ này được thiết kế đặc biệt để bó chân lại, cải thiện lưu thông máu. Chúng thường bó chặt nhất ở mắt cá chân và nới dần lên đến đùi. Điều này khuyến khích máu lưu thông lên phía trên trở về tim dễ dàng hơn. 

Để đạt hiệu quả ngăn ngừa loét tĩnh mạch ở chân một cách tối đa, các bác sĩ chuyên khoa mạch máu khuyên nhiều người nên tập sử dụng vớ nén, vớ áp lực tĩnh mạch hàng ngày ngay khi họ vừa mới thức dậy và chỉ nên tháo bỏ nó vào ban đêm khi đã lên giường đi ngủ. 

Vớ nén có nhiều kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng và áp suất khác nhau. Bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn giúp người bệnh chọn được loại vớ tĩnh mạch phù hợp mà họ có thể tự mang ngay cả khi ở nhà. 

Bệnh nhân cũng có thể mua thêm một số phụ kiện khác nhau hỗ trợ cho  việc mang vớ nén trở nên dễ dàng hơn. 

Giảm cân

Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao bị loét tĩnh mạch ở chân. Lý do là vì cân nặng quá mức sẽ tạo áp lực cao lên tĩnh mạch ở chân, từ đó rất dễ gây ra tình trạng loét tĩnh mạch ở chân

Nếu một người đang trong tình trạng béo phì hoặc thừa cân, giảm cân có thể giúp ngăn ngừa loét tĩnh mạch ở chân có thể xảy ra và tiến triển nặng hơn. 

Có thể giảm cân bằng cách tập thể dục thường xuyên hoặc áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Đồng thời cũng nên tránh ngồi hoặc đứng lâu ở một chỗ trong thời gian dài. Bên cạnh đó cần cố gắng nâng cao chân bất cứ khi nào có thể.

Điều trị các vấn đề cơ bản

Điều trị chứng giãn tĩnh mạch nghiêm trọng có thể giúp ngăn ngừa sưng chân hoặc loét.

Đối với chứng  giãn tĩnh mạch nghiêm trọng có thể điều trị bằng phương pháp nhiệt nội mạch. Theo đó một ống mỏng, linh hoạt gọi là ống thông được sẽ đưa vào các tĩnh mạch bị ảnh hưởng, tiếp đến bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng sóng cao tần RFA hoặc laser EVLA để bịt kín các tĩnh mạch bị suy giãn. 

Ngoài ra, cũng có thể cần phẫu thuật để chữa lành tổn thương ở tĩnh mạch hoặc thậm chí cắt bỏ hoàn toàn phần tĩnh mạch bị suy giãn. 

Hy vọng rằng với những thông tin đưa ra trong bài viết này, nhiều người sẽ hiểu hơn về bệnh loét tĩnh mạch ở chân là tình trạng gì, nguyên nhân gây bệnh, các cách phòng ngừa bệnh cũng như quy trình điều trị nếu phát hiện bệnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This field is required.

Bắt buộc nhập