Mục lục
- 1 Tổng quan về DVT- Huyết khối tĩnh mạch sâu
- 2 Mối liên quan giữa tình trạng đông máu và bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
- 3 Yếu tố nguy cơ của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
- 4 Các triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu
- 5 Chẩn đoán DVT- bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
- 6 Cách điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
- 7 Các biến chứng có thể xảy ra khi bị huyết khối tĩnh mạch sâu
- 8 Cách phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis – DVT) xảy ra khi cục máu đông hình thành ở một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu, thường gặp nhất ở chân gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. DVT có thể gây sưng tấy, đau chân và đôi khi không có triệu chứng gì đáng chú ý. Đây là bệnh lý nguy hiểm có thể gây tử vong nếu cục huyết khối gây tắc mạch máu ở não, tim, hoặc phổi.
Tổng quan về DVT- Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là trường hợp cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chân (các tĩnh mạch bên dưới bề mặt da không thể nhìn thấy qua da). Thuật ngữ “huyết khối – thrombosis” dùng để chỉ sự hình thành cục máu đông trong mạch máu. Khi điều này xảy ra, cục máu đông có thể chặn dòng máu và oxy đến các bộ phận của cơ thể, điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Lưu lượng máu qua các tĩnh mạch ở chân thường cần sự trợ giúp của cơ bắp chân. Khi cơ bắp chân co lại, chúng sẽ nén các tĩnh mạch và đẩy máu lên tim (chống lại trọng lực). Các van trong tĩnh mạch cũng hỗ trợ quá trình này, đảm bảo máu chảy theo một hướng.
Bất cứ điều gì làm chậm dòng máu chảy qua các tĩnh mạch sâu ở chân đều có thể gây ra DVT- Huyết khối tĩnh mạch sâu. Điều này bao gồm chấn thương, phẫu thuật, ngồi hoặc nằm trong thời gian dài.
Đôi khi cục máu đông có thể di chuyển từ chân và bám vào mạch máu trong phổi. Khi điều này xảy ra, nó được gọi là thuyên tắc phổi.
Nếu cục máu đông đủ lớn, nó có thể làm tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu và trong một số trường hợp có thể gây tử vong.
Mối liên quan giữa tình trạng đông máu và bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
Máu chứa tiểu cầu và các hợp chất gọi là yếu tố đông máu. Tiểu cầu có tính kết dính và giúp máu đặc lại (đông máu), đây là một phần bình thường của quá trình lành vết thương.
Khi chúng ta bị cắt vào da hoặc trầy xước, tiểu cầu sẽ tích tụ tại vị trí vết thương. Cùng với các yếu tố đông máu, tiểu cầu tạo ra một mạng lưới để giữ lại nhiều tiểu cầu hơn và tạo ra một nút chặn để bịt kín vết thương.
Khả năng đông máu là cần thiết để duy trì sự sống, nhưng khi nó ngăn máu lưu thông bình thường, nó có thể gây ra các vấn đề trầm trọng khác cho sức khỏe, huyết khối tĩnh mạch sâu là một trong số đó.
Yếu tố nguy cơ của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
DVT- huyết khối tĩnh mạch sâu có nhiều nguy cơ xảy ra hơn đối với các đối tượng sau đây:
-
- Mắc bệnh tim mạch vành
- Trên 40 tuổi
- Béo phì
- Hút thuốc lá
- Đã từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu trước đây hoặc có tiền sử gia đình bị cục máu đông hoặc đột quỵ khi còn trẻ
- Uống thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone
- Ung thư hoặc suy tim
- Giãn tĩnh mạch
- Rối loạn đông máu.
Ngoài ra còn có một số tình huống tạm thời có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Bao gồm các trường hợp:
-
- Đã từng trải qua cuộc phẫu thuật lớn
- Đã bị chấn thương ( gãy xương , chấn thương tủy sống , chấn thương cơ)
- Bị hạn chế cử động
- Thực hiện một chuyến hành trình dài (hơn bốn giờ) bằng máy bay, ô tô hoặc tàu hỏa
- Đang mang thai hoặc nếu bạn đã sinh con trong sáu tuần trước
- Bị mất nước
- Bị nhiễm trùng.
Đôi khi huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra mà không có lý do rõ ràng.
Các triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu
Các triệu chứng của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu thường ảnh hưởng đến một chân (hiếm khi cả hai) và có thể bao gồm:
-
- Đau nhói, đau, chuột rút và đau (thường ở bắp chân hoặc đùi)
- Đau khi duỗi chân
- Sưng cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân
- Làn da ấm nóng khi chạm vào
- Thay đổi màu da của chân (đỏ, tái nhợt hoặc xanh).
Những triệu chứng này cũng có thể xảy ra ở cánh tay hoặc bụng của người bệnh nếu đó là nơi có cục máu đông.
Chẩn đoán DVT- bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
Điều quan trọng là nhận trợ giúp y tế càng sớm càng tốt nếu một người nào đó cho rằng mình bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu.
Nếu bác sĩ cho rằng đây thật sự là triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, người bệnh sẽ được thực hiện siêu âm càng sớm càng tốt (thường trong vòng 24 giờ).
Việc tiến hành siêu âm cho thấy máu có chảy bình thường qua tĩnh mạch hay không hoặc có tắc nghẽn hay không.
Người bệnh cũng có thể được bác sĩ chỉ định chụp X-quang tĩnh mạch (venogram). Lúc này thuốc nhuộm sẽ được tiêm vào bàn chân và bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang tĩnh mạch ở chân để xem có xảy ra sự tắc nghẽn hay không.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm máu, như xét nghiệm máu D-dimer. Các cục máu đông sản sinh ra một loại protein gọi là D-dimer. Nếu xét nghiệm D-dimer âm tính, điều này có thể giúp loại trừ nguy cơ bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Cách điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Khách hàng/ bệnh nhân có thể được tiêm thuốc chống đông máu trong khi chờ siêu âm để biết liệu họ có bị huyết khối tĩnh mạch sâu hay không.
Sau khi được chẩn đoán, nếu người đó thật sự bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, phương pháp điều trị chính là dùng thuốc chống đông máu (ở dạng viên), người bệnh có thể phải dùng thuốc này trong ít nhất sáu tuần.
Các phương pháp khác có thể được ứng dụng để điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm: phá vỡ và hút cục máu đông ra ngoài qua một ống nhỏ đặt vào tĩnh mạch, nhưng phương pháp này không phù hợp với tất cả mọi người.
Điều quan trọng là phải quản lý các yếu tố nguy cơ để ngăn ngừa cục máu đông đối với những người đã từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Bệnh nhân cần trao đổi rõ ràng với bác sĩ về việc này để giảm nguy cơ tái phát. Ngừng hút thuốc và duy trì cân nặng khỏe mạnh cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu quay trở lại.
Đối với một số người, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm hội chứng kháng phospholipid, một chứng rối loạn về máu khiến người bệnh có nguy cơ bị cục máu đông cao hơn.
Các biến chứng có thể xảy ra khi bị huyết khối tĩnh mạch sâu
Nếu DVT- huyết khối tĩnh mạch sâu không được điều trị, nó có thể gây ra các biến chứng, bao gồm viêm tĩnh mạch (phlebitis), loét chân và thuyên tắc động mạch phổi (Pulmonary embolism – PE).
Thuyên tắc động mạch phổi là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Nó xảy ra khi cục máu đông rời khỏi tĩnh mạch ở chân và di chuyển qua hệ thống mạch máu đến phổi.
Khi cục máu đông bám vào phổi, nó có thể làm tắc nghẽn động mạch chính đến phổi hoặc một trong các nhánh chính của nó. Khi điều này xảy ra, mô phổi bị thiếu máu và oxy.
Người ta ước tính rằng khoảng một phần ba số người bị tắc mạch phổi nặng sẽ chết. Phương pháp điều trị cứu sống bệnh thuyên tắc phổi bao gồm các loại thuốc làm tan cục máu đông và phục hồi lưu lượng máu.
Cách phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
Trong bệnh viện, vớ giãn tĩnh mạch có thể làm giảm nguy cơ mắc DVT- huyết khối tĩnh mạch sâu.
Việc sử dụng thuốc chống đông máu để ngăn ngừa hình thành cục máu đông ngay từ đầu được khuyến khích ở những người được coi là có nguy cơ mắc DVT- huyết khối tĩnh mạch sâu từ cấp độ trung bình đến cấp độ cao hơn.
Nếu dùng thuốc chống đông máu, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào khác (kể cả thuốc không kê đơn). Các loại thuốc khác có thể tương tác với thuốc chống đông máu.
Các cách khác để giảm nguy cơ mắc DVT- huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm ngừng hút thuốc, vận động thể chất, tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh cho tim và duy trì cân nặng hợp lý.